[Tản mạn] Dạy học văn chương nhà trường: Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử (1)

“Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang”

Bức tranh mùa xuân giàu lớp lang, dần trải mở theo chuyển biến của thời gian và sự ngắm nhìn miên man, đắm say của nhân vật trữ tình. Đó là một khung cảnh bình dị mà rung rinh, cựa quậy dòng nhựa sống giữa chính tâm mùa xuân lên sắc lên thì. Mọi thứ vừa chan chứa trong lòng nó vừa lan thấm, thức động lẫn nhau đem lại một tổng hoà ngân ngấn, dạt dào. “Làn nắng ửng” là một kết hợp từ ngữ độc đáo, mới mẻ. “Ửng” mô tả sự thể động lay, chuyển biến hơn là trạng thái tĩnh, hoàn bị thường thấy của màu sắc. “Nắng ửng” đượm đà, nồng nàn. Và dòng nhựa sống đến độ mọng lên như đánh thức cả “khói mơ” tan đi, để lộ ra “đôi mái nhà tranh” cũng xôn xao cái hồng hào, chín muồi của nắng. Từ láy tượng hình “lấm tấm” không chỉ gợi những hạt nắng xinh xắn, nhỏ nhắn, duyên dáng. Nó cũng hoà vào cái ngân rung sâu thẳm đang lan chảy giữa khung cảnh mùa xuân, thổi hồn cho vạn vật mà trồi lên. “Lấm tấm vàng” vì thế còn có thể chuyển nghĩa kiểu ẩn dụ: nắng vàng như lộc non chớm nhú…

Cảnh vật đi từ xa đến gần, từ toàn cảnh đến cận cảnh, từ thị giác đến thính giác và trong thính giác lại dệt sợi xúc giác:

                                         “Sột soạt gió trêu tà áo biếc”

Phép đảo ngữ đưa tiếp chạm của thanh âm lên trước. “Tiếp chạm của thanh âm” bởi lẽ mình gió không tạo ra “sột soạt” mà phải là “gió trêu tà áo biếc”, sự tương liên làm thức dậy rộn rạo, xốn xang. Động từ “trêu” theo lối nhân hoá bắt lấy cơn gió thật tình tứ, mơn chớm, đong đưa. Còn tính từ “biếc” vuốt trải thướt tha tươi xanh. Sự tinh khôi, tươi mới (thậm chí là trinh nguyên) của tà áo xuân đã hiển hiện sớm trong âm thanh “sột soạt” nhưng ngay cả thế, chữ “biếc” đến lượt mình vẫn bồi đắp thêm vẻ trong trẻo, mơn mởn, thanh tân. Trên bảng gam độ “xanh”, “biếc” diễn tả sắc xanh căng tràn nhựa sống, đặc biệt, là thứ “xanh” thuần khiết ánh lên lấp lánh nơi mắt nhìn thiết tha, đầy rung cảm. “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc…” (Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải). “Biếc” có chút thắt lại, lỡ nhịp thở giữa cơn run rẩy sẽ sàng. 

                                       “Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang”   

Mùa xuân khi đã “chảy sâu”, thấm thía bao thớ vỉa trực cảm đến một độ tạo nặn thành sinh thể có dáng dấp, hình hài: bóng xuân. Người ta hay rút ra kết luận về bước đi của thời gian, còn mình lại đón được nỗi chới với, bâng khuâng trước cái đẹp, cái tình thấm thoắt, hoặc giả đúng hơn, bảng lảng, chập chờn, vụt hiện. Cách bẻ nhịp bằng dấu chấm đặt ngang ngạnh giữa dòng đã cá tính hoá ngôn ngữ thơ, làm tách nứt cú pháp để đong chứa lấy bất tuân của thể-cảm. Khoảnh khắc thảng thốt, giật mình, như thực như mơ khi đôi bờ phân tách ta – hữu tri với thiên nhiên – vô tri bỗng bay biến. Giai nhân xuân thì lướt qua quá đỗi choáng ngợp. Một lực ép nén xuống để thêm không gian nâng đỡ lấy, nhường chỗ cho thời khắc hi hữu, quí giá kia cuối cùng cũng chỉ kịp níu lại dư ảnh “bóng xuân”. Điều ngôn ngữ thơ dựng ra ở đây chính là giới hạn bao chứa, thâu tóm của chính nó…

Bình luận về bài viết này